Tòa án Quận Denver,ínháncóthểngănôngTrumptáicửdubai bang Colorado ngày 30/10 bắt đầu xét xử vụ kiện do 6 cử tri đệ trình hồi tháng 9, cáo buộc Donald Trump có hành vi "tham gia cuộc nổi loạn chống lại hiến pháp" trong vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Nguyên đơn cho rằng điều này khiến ông Trump không thể tiếp tục giữ vị trí trong chính quyền theo Mục 3 Tu chính án thứ 14.
Tu chính án này được thông qua năm 1868, quy định không ai được đảm nhiệm chức vụ trong chính quyền nếu họ từng tham gia "nổi dậy hoặc nổi loạn". Nó được ban hành sau Nội chiến để ngăn các thành viên trong phe miền Nam nắm giữ chức vụ trong chính quyền.
Đây là cơ sở để những người phản đối ông Trump đệ đơn kiện ở một loạt bang, gồm Colorado, Minnesota, New Hampshire, Arizona và Michigan, với lập luận rằng cựu tổng thống không đủ điều kiện tranh cử, khi ông từng nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và có vai trò "kích động cuộc bạo loạn" tại Đồi Capitol.
Các vụ kiện ở bang Colorado và Minnesota nhận được sự chú ý lớn vì chúng diễn ra nhanh nhất. Tòa án Quận Denver dự kiến ra phán quyết trước ngày 23/11, trong khi Tòa án Tối cao Minnesota dự kiến tổ các phiên tranh luận vào ngày 2/11.
Thẩm phán tòa Minnesota được yêu cầu đưa ra phán quyết càng sớm càng tốt theo luật bang, nhưng có thể chuyển vụ kiện tới thẩm phán tòa cấp dưới để hoàn thiện hồ sơ trước khi ra quyết định cuối cùng.
Ý tưởng dùng công cụ pháp lý được quy định trong hiến pháp để ngăn ông Trump tái tranh cử được nhiều người tự do và bảo thủ ở Mỹ ủng hộ. Nhiều cử tri theo đuổi vụ kiện với sự hỗ trợ của các nhóm giám sát như Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington hay Tự do ngôn luận cho Người dân.
Các vụ kiện phải được tiến hành nhanh chóng bởi mùa bầu cử đã cận kề, với vòng lựa chọn ứng viên của bang Iowa dự kiến bắt đầu vào ngày 15/1/2024. Nhiều tòa án có thể ra phán quyết sau đó, nhưng các vụ kiện sẽ trở nên phức tạp hơn khi các cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức trong suốt mùa xuân. Hội nghị Toàn quốc đảng Cộng hòa dự kiến bắt đầu ngày 15/7 và tất cả các bên hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết trước thời điểm đó.
Vụ kiện ở bang Minnesota bắt đầu tại Tòa án Tối cao của bang, và các vụ kiện ở những nơi khác nhiều khả năng cũng được chuyển tới tòa án cấp cao nhất của từng bang. Phán quyết của tòa án tối cao bang có thể được kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ. Tòa án Tối cao Mỹ có thể thụ lý các vụ án nếu muốn, nhưng họ không bắt buộc phải làm vậy.
Giới chuyên gia pháp lý nhận định Tòa án Tối cao Mỹ sẽ không can thiệp nếu các bang để tên của ông Trump xuất hiện trên phiếu bầu. Song tòa chắc chắn sẽ tham gia nếu bất kỳ bang nào ngăn ông Trump ra tranh cử.
Mục 3 Tu chính án thứ 14 hiếm khi được viện dẫn trong hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh chia rẽ của nền chính trị Mỹ gần đây, nó đã được sử dụng phổ biến hơn. Năm ngoái, các vụ kiện áp dục điều khoản này để chống lại hai nghị sĩ Cộng hòa Madison Cawthorn và Marjorie Taylor Greene đã không thể ngăn họ tiếp tục xuất hiện trên phiếu bầu.
Tuy nhiên, thẩm phán bang New Mexico năm ngoái đã viện dẫn điều khoản này để cách chức Couy Griffin, ủy viên hạt Otero, với cáo buộc tham gia vụ bạo loạn Đồi Capitol. Thẩm phán xác định Griffin, người đã sáng lập nhóm Cowboys for Trump, không còn đủ điều kiện đảm nhận chức vụ vì đã vi phạm Mục 3 Tu chính án thứ 14. Đây là lần đầu tiên điều khoản này được sử dụng để miễn nhiệm một quan chức Mỹ kể từ năm 1869.
Để loại Trump khỏi phiếu bầu, những người đệ đơn kiện cần chứng minh hành vi của ông thỏa mãn các điều kiện được nêu trong Mục 3. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Trump và những người ủng hộ có nhiều cơ sở chống lại ý tưởng dùng điều khoản này để cản trở ông tái tranh cử.
Mục 3 chỉ cấm người có hành vi nổi loạn "đảm nhận chức vụ", nhưng không có từ ngữ nào đề cập đến việc tranh cử. Các luật sư của Trump có thể dựa vào đây để tranh luận rằng thẩm phán không thể gạt tên ông ra khỏi phiếu bầu. Nếu ông thắng cử, chỉ có quốc hội Mỹ mới đủ tư cách xác nhận ông đủ tư cách đảm nhận chức vụ hay không.
Mục 3 quy định nó áp dụng cho các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ, đại cử tri, thành viên "văn phòng bang và văn phòng liên bang". Vị trí "văn phòng liên bang" (federal office) này là cơ sở duy nhất để nguyên đơn đề nghị tòa án áp dụng với chức danh tổng thống trong vụ kiện ông Trump.
Tuy nhiên, luật sư của Trump nhiều khả năng sẽ tranh luận rằng vị trí "văn phòng" trong Mục 3 chỉ áp dụng với sĩ quan quân đội (officer) hay các nhân viên dịch vụ bưu điện (post office), không phải cho vị trí tổng thống.
Họ cũng có thể nói rằng vụ bạo loạn Đồi Capitol không phải "cuộc nổi loạn", lưu ý rằng cựu tổng thống chưa bị tòa án nào truy tố với tội danh nổi loạn. Ông Trump cũng đã được Thượng viện tha bổng sau khi Hạ viện luận tội ông kích động cuộc nổi dậy.
Các luật sư thêm rằng ngay cả khi đó là cuộc nổi loạn, Trump cũng không thể bị kết tội vì ông không tham gia và không có mặt ở Đồi Capitol vào thời điểm đó.
Phe ủng hộ Trump cho hay quốc hội nên là cơ quan xác định ai phù hợp để trở thành tổng thống, không phải các thẩm phán. Tòa án không thể ngăn Trump tái tranh cử nếu 2/3 thành viên quốc hội bỏ phiếu xác định ông đủ điều kiện đảm nhận chức vụ tổng thống.
Những người ủng hộ Trump cũng cho rằng Mục 3 Tu chính án thứ 14 không có giá trị nếu Mỹ chưa có một đạo luật liên bang quy định cụ thể về cách thức thực thi nó. Mỹ đến nay chưa có đạo luật như vậy, nên họ cho rằng điều khoản này không thể được áp dụng để gạt tên Trump khỏi phiếu bầu.
Song những người phản đối nói rằng Mục 3 hoàn toàn có thể được áp dụng, bởi hiến pháp Mỹ và luật của các bang đều cho phép quan chức bầu cử và tòa án có quyền quyết định người có tên trên phiếu bầu.
Phiên tòa ở Colorado là lần đầu tiên Mục 3 Tu chính án thứ 14 được sử dụng để chống lại một ứng viên tổng thống và thẩm phán sẽ phải làm rõ tranh luận của các bên để quyết định liệu ông Trump có thể tham gia tranh cử tổng thống 2024 hay không.
"Đây là quân cờ domino đầu tiên. Nếu bị đổ, nó có thể gây ra phản ứng dây chuyền ở nhiều bang khác của Mỹ. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một thách thức pháp lý như vậy đối với ứng viên tổng thống", Derek Muller, chuyên gia luật bầu cử tại Trường Luật Notre Dame ở Mỹ, nói.
Thanh Tâm(Theo Washington Post, CNN, ABC News)